Bạn đã từng du lịch Miền Tây trải nghiệm gói bánh tét, đổ bánh xèo, thưởng thức tất cả món bánh dân dã ở đây. Vậy bạn đã nếm qua hết các món bún Miền Tây gây nghiện này chưa?
Người ta mê các món ăn dân dã miền Tây cũng chỉ bởi tính mộc mạc nhưng vô cùng đậm đà hương sắc, ăn một lần là không thể nào quên được. Trong số đó có bún nước lèo, bún cá, bún mắm, bún suông và bún bì.
Bún nước lèo
Trong những món ngon mùi nhớ ở Sóc Trăng, có lẽ bún nước lèo nổi tiếng hơn cả bởi hương vị đặc trưng thể hiện sự kết hợp tinh hoa ẩm thực của cả ba dân tộc Kinh – Hoa – Khmer sinh sống lâu đời ở vùng đất này.”Linh hồn” của món bún Miền Tây này nằm ở phần nước lèo. Nồi nước lèo là sự hòa quyện giữa mắm, ngải bún (một loại củ giống củ nghệ, màu hơi đậm hơn nghệ), sả. Theo đó, mắm thường dùng là những loại có sẵn tại địa phương như: mắm cá sặc, riêng người Khmer thường nấu bằng mắm bò hóc; ngải bún, sả để khử mùi tanh và tạo mùi thơm. Cho nên, dù là người kém ăn, sợ mùi tanh cách mấy cũng phải động đũa thưởng thức tô bún nước lèo nghi ngút khói với mùi hương đặc trưng riêng biệt.
Bún cá
Món bún cá ở Kiên Giang không giống như các món bún cá của người miền Trung được chế biến từ cá biển, bún cá Kiên Giang có nguyên liệu chính là những con cá lóc to tròn trên các đồng ruộng, trên những con sông.Hương vị của món bún Miền Tây này có vị chua thanh cùng thịt cá lóc, tôm ngọt dịu. Thưởng thức món bún cá ngon đúng điệu là khi ăn kèm với các loại rau và chấm cùng nước mắm Phú Quốc thêm chút ớt cay… tất cả hòa quyện vào nhau tạo nên món ngon chuẩn vị miền Tây.
Bún mắm
Bún mắm, cái tên dân dã, dễ nhớ của món ăn đã quá nổi tiếng đến nỗi người chưa từng ăn cũng đã nghe có vẻ… quen thuộc. Bún mắm Châu Đốc có xuất xứ từ Campuchia, nhưng khi du nhập vào miền Tây đã được biến tấu và sáng tạo để phù hợp với ẩm thực và hương vị của người dân nơi đây. Thay vì nấu bằng mắm hốc như ở Campuchia thì người dân miền Tây lại nấu bún mắm bằng mắm cá linh hay cá sặc và nhiều loại cá khác. Tô bún mắm thơm ngon với đầy đủ màu sắc: trắng nõn nà của những sợi bún giòn dai, màu vàng sánh mịn của nước lèo và màu hồng hào của tôm, thịt heo quay, màu vàng của trứng vịt, bông điên điển, màu xanh tươi của rau cùng với hương thơm lôi cuốn đã chinh phục được cả những thực khách khó tính nhất khiến bao người ăn một lần là nhớ mãi không quên.
Bún suông
Bên cạnh những món bún Miền Tây được đề cập đến như bún nước lèo Sốc Trăng, bún cá Kiên Giang hay bún mắm Châu Đốc, du lịch Miền Tây đến với Trà Vinh nhiều du khách còn bị say lòng bởi món bún suông có vị lạ miệng. Món ăn có thành phần chính là bún tươi, tôm tươi, thịt ba chỉ và không thể thiếu điểm nhấn là những miếng chả tôm dài. Hương vị của món ăn trở nên ngon hơn khi được người xứ này cho thêm ít giá trụng, rau xà lách và bắp cải trắng bào sợi. Khi ăn, người ta thường hay chấm thịt cùng với chén tương xay và ớt cay.
Bún bì
Khác hẳn với các món bún Miền Tây kể trên, bún bì Cà Mau không dùng với nước lèo. Món bún này hút khách nhờ cọng bún được làm to hơn bình thường, dai hơn, ăn cùng với bì thịt và chả lụa. Sự thành công của món ăn đòi hỏi người đầu bếp phải thật khéo tay trong khâu trộn bì. Thịt chọn làm bì phải là loại nạc đùi, ướp gia vị đều và ram cho thơm lừng và ăn kèm với giá sống, rau thơm, dưa leo băm. Khi thưởng thức, bạn sẽ cảm nhận được vị béo từ mỡ hành và đậu phộng rang thật quyến rũ.