Hành trình khám phá Đông Bắc sẽ đưa bạn đến với những thắng cảnh non cao hùng vĩ của Hà Giang, hay thác nước cuồn cuộn và tuyệt đẹp của Cao Bằng và không quên ghé qua thăm khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, hữu tình tại Hồ Ba Bể (Bắc Kạn). Đông Bắc còn nổi tiếng với những món ăn đặc sản vùng cao, những lễ hội dân gian và mùa hoa Dã Quỳ nở rực hồng phương bắc.
Phương tiện đi lại
Để đi đến các tỉnh trong vùng Đông Bắc thì chỉ có 2 phương tiện là xe máy hoặc xe khách. Các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn có khoảng cách khá xa so với Hà Nội nên để an toàn và tiết kiệm thời gian bạn nên đi xe khách tại bến xe Mỹ Đình. Còn nếu đi xe máy để khám phá và chụp ảnh dọc đường bạn nên chuẩn bị kỹ lưỡng vì có đoạn đường đi không tốt, dốc cao và quanh co.
Nên đi Đông Bắc mùa nào?
Nếu bạn muốn săn ảnh mùa lúa chín tại Hoàng Su Phì, Xín Mần (Hà Giang) thì nên đến vào tháng 9, ngoài ra các giai đoạn còn lại cũng rất đẹp (tháng 2-3 mùa nước đổ, tháng 7-8 mùa lúa xanh rì), còn đến Hà Giang (vùng Quản Bạ, Đồng Văn, Mèo Vạc) vào tháng 11 thì bạn sẽ ngất ngây với mùa hoa Tam Giác Mạch trên cao nguyên, màu hồng phớt của hoa rất đẹp khi nắng lên.
Những điểm nào nên tham quan khi đến Đông Bắc
Đến tham quan Hà Giang thì bạn nên đi theo mùa: mùa hoa Tam Giác Mạch hay mùa lúa chín sẽ thưởng ngoạn được những thắng cảnh dọc đường. Nếu săn ảnh mùa vàng (lúa chín) thì nên đi theo cung đường Hoàng Su Phì – Xín Mần thì nên đến vào cuối tháng 8 – tháng 9, ngoài ra các tháng như 2 – 3 mùa nước đổ, tháng 7 – 8 mùa lúa chín thì bạn cũng sẽ có được nhiều góc máy đẹp. Trên đường đến thị trấn Vinh Quang (Hoàng Su Phì) bạn sẽ bắt gặp những thửa ruộng bậc thang cực đẹp tại xã Thông Nguyên, hay đến ngay thị trấn Vinh Quang thì có thể ghé tham quan và chụp ảnh tại xã Bản Luốc, Sán Sả Hồ, xã Hồ Thầu, xã Nậm Ty. Đến Xín Mần thì đừng quên ghé tham quan Thác Tiên trên Đèo gió nhé, thác rất đẹp cách thị trấn Cốc Bài (Xín Mần) tầm 30km. Nếu chỉ đi Hoàng Su Phì & Xín Mần thì bạn nên đi 3 ngày, có thêm thời gian thì kết hợp ghé tham quan Bắc Hà, Sa Pa sau đó đi cao tốc Lào Cai – Nội Bài về thì khoảng 5 ngày. Một hướng khác tham quan Hà Giang đó là chinh phục cột cờ Lũng Cú, biểu tượng cực bắc của Việt Nam, chinh phục cung đường Hà Giang – Quản Bạ – Đồng Văn – Mèo Vạc bạn mất tầm 4 ngày. Đến thành phố Hà Giang bạn hãy ghé thăm thôn Hạ Thành trước khi vào cửa ngỏ và cách thành phố tầm 7km, ngày hôm sau trên đường đi Đồng Văn thì ghé tham quan Núi Đôi ở Quản Bạ, Sủng Là, Phố Cáo, Dinh Vua Mèo ở Đồng Văn. Hành trình chinh phục Lũng Cú là điều bạn không thể bỏ qua khi đến địa đầu tổ quốc. Trở về Hà Giang theo cung đường Mèo Vạc bạn sẽ được chiêm ngưỡng đèo Mã Pí Lèng, được coi là con đèo Hạnh Phúc nối Mèo Vạc và Đồng Văn, nó mang tên đèo Hạnh Phúc bởi sự kỳ công khi xây dựng con đường này của các dân tộc tại đây khi họ phải cheo leo trên vách núi để đục đẽo từng tảng đá. Nhớ là mùa hoa Tam Giác Mạch tại Hà Giang vào tháng 11 bạn nhé!
Một hành trình Đông Bắc cũng khá thú vị là về thăm nơi Bác từng sinh sống và làm việc tại Cao Bằng theo cung đường Cao Bằng – Bắc Kạn 4 ngày, ngoài tham quan Khu di tích Pác Bó thì bạn không quên ghé thăm Khu di tích Mộ Kim Đồng các Pác Bó 2km và không thể bỏ qua tham quan Thác Bản Giốc nằm giữa biên giới Việt Nam và Trung Quốc, đây được xem là một trong những thác nước đẹp nhất Việt Nam, cách Thác 2km là động Ngườm Ngao cũng không hề kém thú vị, bởi hệ thống hang dài và thạch nhũ rất đẹp. Đến Bắc Kạn thì bạn hãy lênh đênh trên hồ Ba Bể khám phá Động Puông, Thác Đầu Đẳng, Ao Tiên, Đền An Mã, hành trình kéo dài khoảng 5 tiếng.
Đông Bắc có lễ hội gì đặc sắc?
Đặc sắc nhất ở Hà Giang bạn nên đến đó là chợ tình Khâu Vai cách thị trấn Mèo Vạc chừng 15km, chợ chỉ diễn ra duy nhất một lần trong năm vào ngày 27/3 âm lịch. Đến đây bạn sẽ được hòa vào không khí tưng bừng náo nhiệt của lễ hội, trầm bổng với tiếng khèn Mông, lời hát đối đáp tỏ tình của các chàng trai, cô gái Mông, Nùng, Giấy…
Nếu bạn có dịp đến Cao Bằng vào tháng giêng thì bạn sẽ được tham quan vào lễ hội quan trọng nhất của người Tày, Nừng, đó là lễ hội Lồng Tồng, được tổ chức từ ngày mồng 4 đến mồng 10 tháng giêng. (Lồng Tồng theo tiếng Tày – Nùng hay Lồng Tộng theo tiếng Dao có nghĩa là xuống đồng). Ngoài ra, đến vào tháng 2 âm lịch sẽ được thưởng thức Hội pháo hoa Quản Uyên tổ chức ngày mồng 2 tháng 2 âm lịch có với màn độc đáo nhất là tranh đầu pháo hoa đầu xuân. Bắc Kạn vào mùa xuân (10/1 âm lịch) bạn sẽ có cơ hội tham gia lễ hội Lồng Tồng (lễ hội xuống đồng) hay vào rằm tháng giêng, có lễ hội mùa xuân tại hồ Ba Bể.
Khách sạn
Nếu nghỉ đêm tại Hà Giang thì bạn nên lựa chọn khách sạn Hà An hay Cao Nguyên 3 sao, Yên Minh thì có khách sạn Thảo Nguyên 1 sao, trên phố cổ Đồng Văn có khách sạn Mèo Vạc 3 sao khá hoành tráng và ngay tại thị trấn Mèo Vạc thì bạn hãy lựa chọn khách sạn Hoa Cương 1 sao. Nếu đi theo cung đường Hoàng Su Phì – Xín Mần thì bạn có thể ở lại qua đêm tại khách sạn Tiến Đạt ở Hoàng Su Phì hay khách sạn Gia Long, Huyền An ở Xín Mần. Lưu ý các khách sạn tại Hà Giang không nhiều nên bạn lưu ý đặt phòng trước khi đến.
Nếu ở tại thành phố Bắc Kạn bạn sẽ dể dàng tìm thấy các khách sạn 2 – 3 sao ngay trung tâm như khách sạn Anh Thư, Bắc Kạn hay Núi Hoa. Còn lưu trú tại Vườn quốc gia Ba Bể thì bạn nên ở lại trong vườn quốc gia vì có nhà khách phục vụ khách du lịch và có cả các nhà nhàng phục vụ các món ăn địa phương với giá cả vừa phải. Đến Cao Bằng mình thường nghỉ tại khách sạn Hoa Việt 2 sao, tuy khách sạn không có phục vụ ăn sáng nhưng chất lượng phòng rất tốt và đẹp. Ngoài ra, bạn còn nhiều lựa chọn khách như khách sạn 3 sao Bằng Giang hay các khách sạn 2 sao như Hương Sen, Thành Loan, Giao Tế… Hiện nay tại Khu du lịch thác Bản Giốc có khách sạn Sài Gòn Bản Giốc 4 sao, nếu muốn có trải nghiệm thú vị ngay khu vực gần biên giới thì bạn có thể nghỉ tại đây.
Ẩm thực địa phương
Sản vật Cao Bằng phong phú và chế biến được nhiều món ngon lạ miệng như xôi trám, khẩu sli (bánh gạo nếp nổ), bánh trứng kiến (mùa tháng 4, 5), bánh cuốn, món nằm khâu (khâu nhục), cá chiên sông Gâm, bánh khảo, bò gác bếp, vịt quay 7 vị Cao Bằng, bánh áp chảo, hạt dẻ Trùng Khánh, phở chua, cháo nhộng ong, chè dây một, (mùa tháng 9, 10), phở xào rau dạ hiến, phở Chua, lê Đông Khê, cá hồ Thang Hen, măng chua, mận Bảo Lạc (tháng 3,4). Và bạn đừng quên thưởng thức thơm (khóm) tại thành phố Cao Bằng nhé, rất ngon và ngọt, món này thường được dùng làm món tráng miệng trong các nhà hàng.
Đến Bắc Kạn bạn không nên bỏ qua khi thưởng thức các món ăn đặc sản như tôm chua Ba Bể, bánh gio, bánh Coóc Mò, khâu nhục, rượu ngô Bó Nặm, cá nướng Ba Bể… Hà Giang có nhiều món ăn rất hấp dẫn như cháo ấu tẩu, bánh cuốn trứng, xôi ngũ sắc, thắng cố, thịt bò – trâu gác bếp, rượu ngô… là những món ăn hấp dẫn bạn không nên bỏ qua khi đến Hà Giang nhé. Hạ Long là thiên đường của hải sản nên đến đây bạn không nên bỏ qua món chả Mực, hàu nướng, Sam xào chua ngọt, Sá Sùng, bún tôm, bún xào Ngán, tu hài Vân Đồn. Ngoài ra các món nem chua và canh hà Quảng Yên Cà Sáy (vịt lai nga) cũng rất hấp dẫn.
Đến Đông Bắc mua gì về làm quà?
Bắc Kạn có những đặc sản nổi tiếng bạn có thể mua về làm quà cho người thân như miến dong Nà Rì, lạp xưởng hun khói, thịt treo gác bếp, bánh ngãi, bánh pẻng phạ,… đặc biệt đi vào tháng 8 – 10 bạn sẽ có cơ hội thưởng thức đặc sản quýt Quang Thái, loại quýt ngon và có số lượng rất ít ở vùng này.
Cao Bằng có khá nhiều món ngon và đặc sắc, bạn có thể mua rau dạ hiến, măng chua, mận, bò gác bếp, hạt dẻ Trùng Khánh về làm quà cho người thân. Hà Giang có rất nhiều đặc sản vùng núi mà bạn có thể mua về làm quà cho người thân như rượu ngô, thịt lợn, trâu gác bếp, bánh hoa tam giác mạch, hạt hoa tam giác mạch, chè Shan Tuyết Hà Giang, cam sành Bắc Quang vào độ cuối mỗi năm, mật ong bạc hà nơi cực bắc.
Những điều lưu ý
Bạn nên hạn chế đến Đông Bắc vào mùa mưa (tháng 6 – 9) vì dễ có lũ lụt và sợ lở, đặc biệt đường đèo núi khi lên Hà Giang. Còn đến mùa vào động (tháng 12 – 3) thì nhớ mang theo áo lạnh để giữ ấm cơ thể. Nếu bạn muốn đi phượt xe lên Hà Giang thì tốt nhất nên đi xe khách lên thành phố Hà Giang trước sau đó thêu xe máy lên thị trấn Đồng Văn vì trên cung đường đi Đồng Vân có khá nhiều cảnh đẹp phải dừng lại để tham quan, chụp ảnh.